Người chăn nuôi lo đợt “bão giá” thức ăn chăn nuôi mới

Ngay sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lại thông báo tăng giá mặt hàng này. Trước tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine hiện nay, Bộ NN-PTNT dự báo giá thức ăn chăn nuôi và phân bón có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt.

Chủ trại nuôi gà tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) lo lắng

vì giá thức ăn chăn nuôi vừa có đợt tăng mới. Ảnh: B.Nguyên

Người chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn vì không có lợi nhuận, thậm chí lỗ vốn khi chi phí đầu vào tiếp tục “leo thang” trong khi đầu ra gặp khó khăn.

*Giảm thuế , giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng

Với mục đích giảm giá thành đầu vào cho sản xuất trong nước, trong đó có mặt hàng thức ăn chăn nuôi, từ cuối năm 2021, thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) của một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã được giảm. Cụ thể, thuế suất nhập khẩu MFN của lúa mì từ 3% giảm xuống còn 0%, thuế nhập khẩu bắp từ 5% xuống còn 2%.

Tuy nhiên, ngay sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi lại có đợt tăng giá mới do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới tăng cao, chi phí vận chuyển cũng không ngừng đội lên vì giá xăng, dầu liên tục tăng và dự báo sẽ tiếp tục có những đợt “sốt giá” mới.

Theo Bộ NN-PTNT, trong 2 tháng đầu năm nay, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới tiếp tục tăng cao so với cuối năm 2021. Trong đó, giá dầu đậu nành tăng khoảng 22%, đậu nành tăng khoảng 21%, khô đậu nành tăng khoảng 16%, bắp tăng khoảng 9%… Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ. Ngoài ra, giao tranh giữa Nga và Ukraine đang tác động lớn đến giá bắp và lúa mì trên thị trường thế giới và Việt Nam.

* Khó khăn bủa vây người chăn nuôi

Khó khăn đang bủa vây người chăn nuôi vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đầu ra gặp khó khăn.

Hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) giảm đàn heo

vì giá heo hơi đang thấp hơn giá thành sản xuất

Bà Nguyễn Thị Bình, chủ trại chăn nuôi heo tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, trước đây, quy mô trại nuôi của bà luôn duy trì vài trăm con heo/lứa nuôi. Nhưng hiện nay, trại của bà chỉ còn vài chục con heo chuẩn bị xuất chuồng, nhưng bà không có ý định thả lứa giống mới. Nguyên nhân là thời gian gần đây, giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí đầu vào khác đều tăng cao, rủi ro dịch bệnh lớn khiến người chăn nuôi e ngại tái đàn. Trong khi đó, giá heo hơi bán ra ngay cả thời điểm thị trường bước vào cao điểm tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán 2022 vẫn ổn định ở mức hơn 50 ngàn đồng/kg, mức giá thấp hơn giá thành sản xuất.

Cùng quan điểm, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán nhận xét, với chi phí đầu vào hiện nay, giá thành sản xuất 1kg heo hơi tăng lên mức 55 ngàn đồng/kg, nếu đàn heo tăng trưởng không tốt hoặc hao hụt vì dịch bệnh cao thì giá thành có thể đội lên trên 60 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, từ sau Tết Nguyên đán 2022, giá heo hơi thường ổn định ở mức hơn 50 ngàn đồng/kg. Người chăn nuôi đang “gồng mình” gánh lỗ. Với tình hình giá thức ăn tiếp tục tăng như hiện nay, nhiều trại có nguy cơ “treo” chuồng. Trong thực tế, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề vì càng nuôi càng lỗ.

Chỉ ra khó khăn khác của ngành chăn nuôi trong thời gian tới, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Lê Văn Quyết cho rằng, hiện Đồng Nai đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm, với dịch này chỉ có giải pháp tiêu hủy đàn vật nuôi nên gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi. Mong chính quyền từ tỉnh đến cấp huyện, xã triển khai ngay các giải pháp phòng, chống dịch. Trong đó, việc tổ chức phun xịt dung dịch sát khuẩn và kiểm soát thật chặt các xe vận chuyển cần được thực hiện ngay. Các tỉnh, thành nên phối hợp với nhau thực hiện việc sát trùng, khử khuẩn các xe vận chuyển ngay khi các xe này ra khỏi nhà máy giết mổ để ngăn ổ dịch từ gốc, bảo vệ được đàn chăn nuôi. Trong đó, chăn nuôi nhỏ lẻ hiện rất khó kiểm soát, cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hơn về công tác quản lý, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng phải đăng ký tổng đàn vật nuôi, phải tuân thủ quy trình an toàn dịch bệnh…

Trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% giá thành sản xuất. Khó khăn của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước hiện nay là nguyên liệu sản xuất phụ thuộc quá lớn vào thị trường nhập khẩu. Dự báo, thức ăn chăn nuôi nói riêng, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp nói chung rất có thể bị tiếp tục đẩy lên mức cao trong thời gian tới vì ảnh hưởng chung của thị trường thế giới.

Bình Nguyên

Nguồn: Báo Đồng Nai

Tin Liên Quan