Từ tháng 6 đến nay, người chăn nuôi lợn phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá cả và họ đang “đặt cược” vào thị trường cuối năm với hy vọng bù đắp được phần nào thiệt hại.
Khi nhắc đến chăn nuôi lợn, ông Phan Nhật Quang, Giám đốc Hợp tác xã Quang Hằng (Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) không khỏi ngao ngán. Hợp tác xã Quang Hằng có quy mô chăn nuôi gồm 500 con lợn và 80.000 con gà. Từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã đã xuất bán được 3 lứa lợn, trong đó lần đầu lãi 180 triệu đồng, lần 2 hòa vốn, còn lần 3 lỗ 600 triệu đồng. Ông Quang cho biết: Giá lợn hơi lên xuống thất thường, từ 46.000 đồng/kg giảm còn 40.000 đồng/kg, thậm chí xuống 32.000 đồng/kg, sau đó nhích lên 37.000 đồng/kg, rồi 42.000 đồng/kg và mới đây đạt 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay tăng 13 lần, hiện giá 1 bao thức ăn chăn nuôi (25 kg) đã tăng 100.000 đồng so với đầu năm. Người chăn nuôi đứng giữa trong chuỗi sản xuất và bị chi phối bởi các khâu trung gian, từ đầu vào (con giống, đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi) đến đầu ra (thương lái) mà không có quyền quyết định. Nếu như các sản phẩm khác, khi giá bán thấp có thể để lại, nhưng với con lợn, dù giá thấp cũng phải bán bởi càng nuôi càng lỗ.
Cũng theo ông Quang, do hợp tác xã chăn nuôi với quy mô lớn, theo hình thức gối lứa nên lứa trước thua lỗ nhưng lứa sau có thể lãi, như vậy sẽ bù đắp được. Ngược lại, những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, nếu lứa này thua lỗ thì trắng tay chứ không có cơ hội đợi lứa sau.
Với nhiều năm chăn nuôi, dù có kinh nghiệm, thậm chí sản xuất theo mô hình 3F (Feed – Farm – Food) nhưng hộ ông Lê Mạnh Quý (Bảo Thắng) cũng cảm nhận được những khó khăn. Ông Quý cho biết: Chúng tôi luôn xác định chăn nuôi thường xuyên phải đối mặt với khó khăn do dịch bệnh, giá cả bấp bênh, nên không có cách nào khác, mỗi hộ chăn nuôi phải tìm được đầu vào và đầu ra cho sản phẩm tốt nhất có thể và người chăn nuôi phải liên kết với nhau.
Hộ ông Lê Mạnh Quý đang nuôi 8.000 con lợn, gồm lợn nái, lợn con và lợn thịt. Toàn bộ nguồn giống không phải mua mà tự sản xuất, nên đã giải quyết được nỗi lo về con giống. Mặt khác, để tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi, ông mua nguyên liệu và phụ gia của các nhà máy sản xuất thức ăn trong nước, sau đó tự gia công. Với mức tiêu thụ 4.000 tấn thức ăn chăn nuôi/tháng, nhờ cách làm này, mỗi tháng ông tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng tiền mua thức ăn chăn nuôi. Dù đã chủ động trong cả chuỗi sản xuất, hoàn toàn không phụ thuộc vào khâu trung gian, nhưng trong tháng 9 và tháng 10/2021, do giá lợn hơi giảm mạnh, ông Quý vẫn lỗ từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/con lợn.
Khó khăn của Hợp tác xã Quang Hằng hoặc hộ ông Lê Mạnh Quý cũng là vấn đề chung của ngành chăn nuôi thời gian qua. Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của các trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh giảm trên 20%. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng (giá thức ăn công nghiệp tăng 2.500 – 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020), giá lợn hơi giảm, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển sản xuất của người chăn nuôi. Theo tổng hợp của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ tháng 7 đến nay, giá lợn hơi giảm mạnh, đặc biệt từ đầu tháng 9 đến ngày 20/10, giá lợn hơi giảm còn 34.000 – 36.000 đồng/kg.
Hiện nay, giá lợn hơi có dấu hiệu nhích lên, đây là tín hiệu khả quan cho người chăn nuôi trong những tháng cuối năm, nhất là khi sản xuất sau đại dịch Covid-19 đang dần phục hồi, nhu cầu thực phẩm sẽ tăng. Ông Phan Nhật Quang, Giám đốc Hợp tác Quang Hằng cho rằng: Các hộ chăn nuôi thành viên của hợp tác xã đều “đặt cược” vào thị trường cuối năm. Những tín hiệu tích cực về giá lợn hơi trong những ngày gần đây giúp người chăn nuôi yên tâm hơn.
Nguồn tin: Báo Lào Cai