Việc nghiên cứu, thử nghiệm vacxin DTLCP và viêm da nổi cục trâu bò thời gian qua cho nhiều kết quả khả quan.
Thử nghiệm vacxin viêm da nổi cục trâu bò hiệu quả tốt
Theo Cục Thú y, từ cuối năm 2020, đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm của cả nước cơ bản được khống chế. Các ổ dịch nhìn chung chỉ xẩy ra cục bộ, nhỏ lẻ, không xẩy ra các ổ dịch lớn.
Cụ thể về dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước xảy ra 207 ổ dịch cục bộ tại 27 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 2.777 con. Hiện nay, cả nước có 73 ổ dịch nhỏ lẻ tại 40 huyện của 21 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày; số lợn tiêu hủy lũy kế tại các xã này là 1.388 con.
Về nghiên cứu vacxin DTLCP, Cục Thú y cho biết: Theo báo cáo của Công ty Navetco, sau 5 lần thí nghiệm, vacxin có khả năng bảo hộ 100% số lợn được tiêm vacxin và công cường độc trong phòng thí nghiệm.
Tổ chức tiêm phòng thí điểm vacxin viêm da nổi cục trâu bò tại Quảng Trị. Ảnh: NT
Trong điều kiện sản xuất cho thấy vacxin đã bảo hộ được 80% số lợn được tiêm phòng, công cường độc và hiện đang tiếp tục theo dõi được hơn 3 tháng sau tiêm phòng.
Hiện, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ kiểm nghiệm, khảo nghiệm và đăng ký lưu hành vacxin; tổ chứcđánh giá vacxin DTLCP theo tinh thần khẩn trương nhất, tích cực nhất để sớm phục vụ sản xuất, nhưng phải đáp ứng yêu cầu khoa học, bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và tuân thủ đúng theo quy định.
Kết quả đánh giá bước đầu về hiệu quả của vacxin tại thực địa cho thấy số trâu, bò được tiêm phòng đến nay đều khỏe mạnh, không phát bệnh sau khi tiêm được 2 tuần. Như vậy, vacxin sử dụng trong tiêm phòng thí điểm phòng bệnh VDNC đảm bảo an toàn, có hiệu quả trong phòng bệnh VDNC tại thực địa.
Đối bệnh mới là viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò, từ tháng 10/2020 đến nay, trong 02 tháng đầu năm 2021, đã xảy ra 81 ổ dịch thuộc 38 huyện của 15 tỉnh. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 805 con, trong đó đã tiêu hủy 63 con.
Hiện nay, cả nước có 42 ổ dịch tại 17 huyện của 08 tỉnh. Tổng số gia súc mắc bệnh là 771 con, số gia súc đã tiêu hủy là 39 con. Nặng nhất hiện nay là tỉnh Hà Tĩnh có 27 ổ dịch và 464 con gia súc mắc bệnh.
Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo nhập khẩu khẩn cấp 50 nghìn liều vacxin (bao gồm 10 nghìn liều vacxin Lumpyvac từ Thổ Nhĩ Kỳ, 20 nghìn liều vacxin LumpyShield từ Jordan và 20 nghìn liều vacxin Mevac LSD từ Ai Cập) để triển khai thí điểm tiêm phòng, chống dịch tại 08 tỉnh (Sơn La, Hà Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh và Quảng Trị) và một số trại bò sữa.
Theo báo cáo của các địa phương, đã tổ chức tiêm phòng được 27.226 con trâu, bò. Theo đó, gia súc đã được tiêm phòng không mắc bệnh VDNC. Trâu, bò được tiêm vacxin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ sau 28 ngày đã có kháng thể kháng virus VDNC (trâu bò được tiêm các vacxin khác đang được lấy mẫu, đánh giá sau tiêm phòng).
Chăn nuôi vực dậy sau thiệt hại chấn động
Làm việc về tình hình chăn nuôi và việc triển khai Chiến lược chăn nuôi 2020-2030 ngày 23/2 với các đơn vị của Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Năm 2020, ngành chăn nuôi đối mặt với hàng loạt thách thức sau ảnh hưởng và thiệt hại chấn động của DTLCP đối với chăn nuôi lợn. Tác động của đại dịch Covid-19 trên người; bối cảnh thiên tai kỳ dị…
Chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn đã vượt qua một năm 2020 khó khăn chưa từng có, và đang hướng tới những mục tiêu lớn trong năm 2021 cũng như giai đoạn 2021 – 2030. Ảnh: TL
Trong bối cảnh đó, chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng tốt, đồng bộ ở các sản phẩm chăn nuôi, bình quân toàn ngành đạt 6,54%. Đây là mức tăng trưởng cao lịch sử của ngành chăn nuôi.
Việc tái đàn lợn sau DTLCP đã cơ bản đạt được mục tiêu, kịch bản và theo kế hoạch đề ra. Qua đó tạo ra khối lượng thịt lợn đáp ứng bình ổn lại được thị trường thịt lợn trong nước.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã kịp thời vào cuộc khắc phục, khôi phục nhanh chóng chăn nuôi sau bão lũ lịch sử, tạo sinh kế và đáp ứng nhu cầu thực phẩm cuối nă tại các tỉnh miền Trung.
Tái cơ cấu ngành chăn nuôi tiếp tục có sự bứt phá mạnh mẽ ở nhiều mặt hàng chủ lực, nhất là gia cầm, chế biến, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Thể chế, cơ chế, định hướng cho ngành chăn nuôi trong dài hạn được hoàn thiện…
Về thú y, các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm được khống chế tốt. Các ổ dịch, điểm dịch, kể cả các loại bệnh mới đều được triển khai kịp thời, có hiệu quả, có nhiều kinh nghiệm. Kiểm soát dịch bệnh qua biên giới được siết chặt, triển khai đảm bảo an toàn, nhất là hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi qua biên giới.
Công tác xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tiếp tục được triển khai có hiệu quả, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Qua đó giúp cho tăng trưởng chung của toàn ngành.
Trong năm 2021 cũng như những năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, ngành chăn đang đứng trước những thách thức lớn, nhưng cũng sở hữu những cơ hội lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh bên cạnh chăn nuôi lớn, hiện đại, cần khai thác song song thế mạnh chăn nuôi nông hộ. Ảnh: Lê Bền
Các tiến bộ về khoa học, công nghệ của ngành chăn nuôi được đánh giá là phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua. Các nền tảng hội nhập, cơ hội đẩy mạnh vươn ra xuất khẩu đang rất rộng mở…
Bộ trưởng đề nghị tiếp tục rà soát, chấn chỉnh hệ thống quản lí trong ngành chăn nuôi. Tiếp tục cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ số trong quản trị, ứng dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quản lí, nhất là tăng cường khâu kiểm nghiệm, khảo nghiệm, trên cơ sở khuyến khích xã hội hóa.
Đồng thời, thúc đẩy tái cơ cấu, liên kết, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt trong chuỗi sản xuất. Đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi đối với đa dạng các đối tượng vật nuôi và mở rộng hơn ở cac địa phương, trong đó khuyến khích xã hội hóa trong công tác này.
Song song đó, tiếp tục tập trung cho khâu mở cửa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là các thị trường nhiều tiềm năng mới như Nga, Brazil…, mở rộng thị trường đã có.
Ông Dương Tất Thắng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: Mặc dù ngành chăn nuôi giai đoạn tới sẽ phải hướng tới chăn nuôi lớn, tập trung, quy mô lớn hiện đại. Mặc dù vậy, chăn nuôi nông hộ, phát huy lợi thế các vật nuôi đặc sản bản địa vẫn đóng vai trò quan trọng nhất định, cần phải tiếp tục ưu tiên các chính sách hỗ trợ để tạo thu nhập, tạo sinh kế cho người dân…
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng trong giai đoạn tới, thúc đẩy chăn nuôi hiện đại, quy mô lớn tập trung, công nghệ cao phải đi đôi với chăn nuôi nhỏ, hướng hữu cơ, đặc sản bản địa, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái… Bởi đây vẫn đang là khu vực chăn nuôi có ưu thế của nước ta.
LÊ BỀN
Báo Nông Nghiệp Việt Nam